GIỚI THIỆU

Chính phủ Việt Nam đã nhận một khoản tín dụng từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) tài trợ cho Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (tên tiếng Anh viết tắt là VIAIP). Dự án bắt đầu thực hiện vào quý II/2014 và mục tiêu phát triển của dự án là “Cải thiện tính bền vững của các hệ thống sản xuất nông nghiệp có tưới tại 7 tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, là Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam”. Tổng mức đầu tư của dự án là 210 triệu US$ (bao gồm 180 triệu US$ tài trợ từ IDA và 30 triệu US$ vốn đối ứng của CPVN). Dự án có 4 hợp phần như sau:


+ Hợp phần 1: Cải thiện quản lý nước tưới (9.5 triệu US$)

+ Hợp phần 2: Nâng cấp hệ thống tưới tiêu (170,5 triệu US$)

+ Hợp phần 3: Dịch vụ hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (23 triệu US$)

+ Hợp phần 4: Quản lý Dự án, Giám sát và Đánh giá (7 triệu US$)


Để xem xét quá trình triển khai so với kế hoạch thực hiện (giám sát) cũng như đánh giá kết quả và tác động mà dự án làm được (đánh giá), hệ thống giám sát và đánh giá đóng vai trò rất quan trọng. Mục đích của giám sát và đánh giá là thu thập thông tin một cách chính xác nhất để có thể dựa vào đó đưa ra những quyết định điều chỉnh phù hợp, sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, cũng như tận dụng tối đa những nguồn lực này để đạt được tác động mong muốn.


Hiện tại, các Ban Quản lý dự án (BQLDA) ở các tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách công tác GS-ĐG, tuy nhiên dự án cần có một hướng dẫn về các nguyên tắc cũng như thực hành về GS-ĐG để các cán bộ này có thể đảm đương nhiệm vụ được yêu cầu. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý dự án VIAIP ở các cấp trung ương và tỉnh cũng rất quan trọng. Họ cần phải được trang bị những kiến thức và thực hành kỹ năng quản lý dự án cũng như về giám sát và đánh giá, để có thể tổ chức và quản lý các nguồn lực của dự án theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, thời gian và chi phí.


Nhóm tư vấn Giám sát và đánh giá (GS-ĐG) đã được lựa chọn để hỗ trợ cho BQLDA trung ương và tỉnh đánh giá tác động của dự án đến thu nhập và mức sống của người hưởng lợi, giảm thiểu tình trạng đói nghèo cùng cực và chia sẻ thịnh vượng. Thành quả của dự án sẽ được giám sát và đánh giá hàng năm và cuối giai đoạn thực hiện dự án, dựa trên Khung kết quả dự án. Một trong những nhiệm vụ chính của nhóm tư vấn GS-ĐG là xây dựng Bộ tài liệu Hướng dẫn triển khai giám sát và đánh giá cho dự án VIAIP, nhằm cung cấp cho các đối tác của dự án ở cấp trung ương và tỉnh những kiến thức và kinh nghiệm triển khai giám sát và đánh giá.


Tài liệu hướng dẫn được chuẩn bị dành cho 2 đối tượng chính là:

+ Người có trách nhiệm quản lý mọi việc liên quan đến triển khai thực hiện các hợp phần khác nhau của dự án, bao gồm: giám đốc dự án, cán bộ quản lý các hợp phần dự án và cán bộ quản lý đối tác;

+ Cán bộ GS-ĐG , cán bộ của dự án hoặc đối tác thực hiện và bên đấu thầu có trách nhiệm thiết lập và/hoặc thực hiện các hệ thống GS-ĐG.


Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn còn hữu ích cho các tư vấn hỗ trợ dự án về giám sát, đánh giá và quản lý thông tin, cũng như các cán bộ của BQLDA các cấp từ trung ương đến cơ sở và các cán bộ từ các đối tác khác hỗ trợ việc triển khai các hoạt động của dự án.


Những vấn đề nêu trong Tài liệu hướng dẫn không mang tính bắt buộc với mọi dự án. Tài liệu hướng dẫn chỉ mô tả những vấn đề cần được quan tâm và được chứng minh là kinh nghiệm tốt trong việc triển khai một Hệ thống GS-ĐG của dự án.


Tài liệu hướng dẫn được xây dựng dựa theo IFAD (2012) về “Sổ tay hướng dẫn theo dõi và đánh giá dành cho các dự án do IFAD tài trợ ở Việt nam”, Bộ Kế hoạch Đầu tư (2006) về “Cẩm nang theo dõi và đánh giá”, BfdW & EED (2011) về “Khung hướng dẫn chung về Định hướng Kết quả và Tác động”, UNDP (2011) về “Các thuật ngữ dùng trong theo dõi, đánh giá và quản lý dựa trên kết quả” và các tài liệu tham khảo khác về hệ thống giám sát và đánh giá nói chung. 


CẤU TRÚC CỦA TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN GS-ĐG


Tài liệu hướng dẫn bao gồm 8 chương. Chương I cung cấp các khái niệm cơ bản về giám sát và đánh giá, hướng dẫn các bước thiết lập một hệ thống giám sát và đánh giá, mối tương quan giữa vấn đề giới và giám sát và đánh giá, và tóm lược các phương pháp thu thập dữ liệu phục vụ giám sát và đánh giá, phân công trách nhiệm thực hiện giám sát và đánh giá.


Chương II đến chương VII cung cấp những phương pháp và công cụ chọn lọc để thu thập dữ liệu cho Hệ thống Giám sát – Đánh giá, như Đo lường và Báo cáo kết quả GS-ĐG (Chương II), Khảo sát kết quả hàng năm (Chương III), Khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ (Chương IV), Phương pháp chọn mẫu khảo sát (Chương V), Phương pháp phỏng vấn người cung cấp thông tin chính (Chương VI), Phương pháp thảo luận nhóm (Chương VII) và Cơ sở dữ liệu khung Kết quả trực tuyến (Chương VIII).


Phần Phụ lục sẽ cung cấp thông tin về Khung Kết quả của dự án (Phụ lục 1), Hướng dẫn thu thập số liệu cho các chỉ số trong Khung Kết quả (Phụ lục 2), Bảng thu thập số liệu hàng năm (Phụ lục 3) và Bảng chỉ số kế hoạch của Khung Kết quả chia theo tỉnh (Phụ lục 4) để sử dụng cho Hệ thống giám sát và đánh giá.